News
TIÊU CHẢY NHIỄM KHUẨN Ở TRẺ NHỎ - CHẨN ĐOÁN CHÍNH XÁC NGUYÊN NHÂN ĐỂ ĐIỀU TRỊ HIỆU QUẢ

Tiêu chảy nhiễm khuẩn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trên thế giới, đặc biệt phổ biến ở các nước đang phát triển.
Nguyên nhân gây bệnh thường gặp là các vi khuẩn như Salmonella (có thể gây sốt, đau bụng, ớn lạnh, xuất hiện ban hồng ở bụng và lưng), Shigella (có thể gây sốt, đau bụng, tiêu chảy nhiều lần trong ngày, phân có thể nhầy, lẫn máu hoặc nước), Escherichia coli (E. coli) (có thể gây tiêu chảy phân lỏng hoặc có máu, đau bụng quanh rốn, buồn nôn hoặc nôn), C.difficile, Campylobacter hoặc C. Yersinia.
Các vi khuẩn này chủ yếu lây truyền qua đường phân - miệng, thông qua các con đường như:
- Tiếp xúc với gia súc, gia cầm mang mầm bệnh: Vi khuẩn có thể tồn tại trong phân và lông của động vật và lây sang người khi không rửa tay kỹ sau tiếp xúc.
- Thịt sống hoặc chưa nấu chín kỹ: Các loại thịt như gia cầm, bò, lợn nếu bị nhiễm khuẩn có thể chứa các vi khuẩn gây tiêu chảy như Campylobacter hay E. coli.
- Dụng cụ chế biến thực phẩm không đảm bảo vệ sinh
- Sử dụng nguồn nước uống không an toàn.
Theo BSCKII. Phan Thị Thu Minh – Khoa Nhi & Nhi sơ sinh, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, khi trẻ có dấu hiệu tiêu chảy, việc chẩn đoán chính xác nguyên nhân là điều tiên quyết để có hướng điều trị phù hợp. Cần loại trừ các nguyên nhân khác có biểu hiện tương tự, như:
- Nhiễm trùng huyết, lồng ruột, nhiễm khuẩn tiết niệu, viêm tai giữa, viêm phổi.
- Tiêu chảy do kháng sinh, bất dung nạp lactose, nhiễm ký sinh trùng, ngộ độc thực phẩm.
- Viêm ruột thừa, viêm đại tràng giả mạc, hội chứng tan máu – tăng ure huyết.
Nếu không được can thiệp đúng lúc, tiêu chảy nhiễm khuẩn có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như:
- Nhiễm trùng máu, đặc biệt tang nguy cơ trên trẻ nhỏ, hoặc suy giảm miễn dịch
- Mất nước nghiêm trọng, nếu mất nước nặng có thể gay nguy hiểm, thậm chí dẫn tới tử vong rất nhanh
- Suy thận hoặc hội chứng tan ure huyết
- Viêm loét đại trực tràng, có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến ruột già
- Phình đại tràng nhiễm độc – biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm ruột
- Tiêu chảy kéo dài
- Suy dinh dưỡng
- Co giật gây tổn thương thần kinh, ảnh hưởng tới não bộ
Theo BS. Minh, bố mẹ cần theo dõi và đưa trẻ đến gặp bác sĩ nếu thấy các dấu hiệu sau:
- Tiêu chảy từ 6 lần trở lên trong vòng 24 giờ
- Phân có máu
- Tiêu chảy kèm nôn ói hoặc trẻ không uống được
- Sốt cao trên 38,5°C, hoặc sốt kéo dài trên 1 ngày
- Đau bụng dữ dội
- Có dấu hiệu mất nước: tiêu chảy rất nhiều nước, môi miệng khô, khát nhiều, mệt lả, co rút cơ, chóng mặt, nước tiểu sẫm màu hoặc rất ít
- Co giật
- Hoặc bất kỳ dấu hiệu bất thường nào khiến phụ huynh lo lắng
Việc điều trị tiêu chảy nhiễm khuẩn thường gồm 4 nguyên tắc chính:
- Bù nước và điện giải đầy đủ
- Không tự ý dùng thuốc cầm tiêu chảy
- Dùng kháng sinh đúng chỉ định của bác sĩ: Việc dùng kháng sinh sẽ dựa trên loại vi khuẩn gây bệnh và mức độ nặng của trẻ. Bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị cá nhân hóa phù hợp.
- Chế độ ăn phù hợp: Tránh thức ăn nhiều dầu mỡ, thực phẩm nhiều đường. Nên cho trẻ ăn thịt nạc, cháo, khoai tây, bánh mì, rau xanh, sữa chua, sữa (trừ khi trẻ bất dung nạp lactose hoặc dị ứng sữa).
Tại khoa Nhi & Nhi sơ sinh, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội (HFH), có sự phối hợp chặt chẽ của các bác sĩ chuyên khoa Nhi với các bác sĩ khoa Tiêu hóa và Dinh dưỡng, giúp chẩn đoán chính xác nguyên nhân, đánh giá toàn diện cho trẻ.
Từ đó, các bác sĩ sẽ đưa ra tư vấn và các phương pháp chăm sóc sức khỏe cá nhân hóa, phù hợp nhất cho từng trẻ theo hướng dẫn từ Bộ Y tế và các tiêu chuẩn y tế quốc tế, giúp bố mẹ nuôi con khỏe mạnh, an toàn.
Để đặt lịch khám với các bác sĩ Nhi khoa tại HFH, bố mẹ vui lòng liên hệ HOTLINE 024.35771100 hoặc INBOX FANPAGE “Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội”, Zalo OA zalo.me/2008009049335817955.